CDV-Thương mại điện tử có tên tiếng anh là e-commerce, e-comm hay viết tắt là EC hoặc thương mại internet, đề cập đến việc mua và bán hàng hóa hoặc dịch vụ có sử dụng internet để thực hiện việc mua bán chuyển tiền, dữ liệu để thực hiện các giao dịch này.
Ngành thương mại điện tử là gì
Thương mại điện tử thường được sử dụng để chỉ việc bán sản phẩm trực tuyến, nhưng nó cũng có thể mô tả bất kỳ loại giao dịch thương mại nào được diễn ra thông qua internet.
Các giao dịch kinh doanh này xảy ra hoặc từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp, từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng, người tiêu dùng đến người tiêu dùng hoặc người tiêu dùng đến doanh nghiệp.
Có thể hình dung thương mại điện tử có các loại hình sau:
– B2B: Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (business to business)
– B2C: Giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng (business to consumer)
– B2G: Giao dịch giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước – (business to government)
– C2C: Giao dịch trực tiếp giữa các cá nhân với nhau – (consumer to consumer)
– G2C: Giao dịch giữa cơ quan Nhà nước với cá nhân – (government to consumer).
Thương mại điện tử học những gì?
Theo học
ngành thương mại điện tử, sinh viên được trang bị khối kiến thức về kinh tế, tổ chức kinh doanh trên mạng internet, nắm bắt chức năng và vận dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm, khai thác thông tin, mở rộng thị trường kinh doanh, nghiệp vụ kinh doanh, các phương pháp phân tích, thiết kế hệ thống kinh doanh trực tuyến, kế toán, tiếp thị, thanh toán điện tử, nền kinh tế điện tử…
Đặc biệt các kiến thức về mạng máy tính, an ninh mạng và chữ kí số trong quản trị mạng là những kiến thức quan trọng sinh viên học Thương mại điện tử cần tích lũy.
Các môn học tiêu biểu có thể kể đến khi theo học ngành này như:
– Tiếp thị trực tuyến
– Thiết kế hệ thống thương mại điện tử
– Phát triển ứng dụng web
– Quản trị chiến lược điện tử
– Quản trị tài chính doanh nghiệp
– Luật thương mại điện tử
– An toàn và bảo mật thương mại điện tử
– Phân tích dữ liệu kinh doanh
– Quản trị quan hệ khách hàng…
Ngoài ra khi theo học ngành Thương mại điện tử sinh viên sẽ được tiếp cận với những kĩ năng cần thiết cho nghề nghiệp như kỹ năng thuyết trình nhóm, cách tổ chức seminar, điều hành và quản lí dự án, sàn lọc thông tin, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng thuyết phục khách hàng…để tự tin tổ chức và phát triển các ứng dụng tin học hỗ trợ những hoạt động giao dịch điện tử, thương mại, kinh doanh điện tử.
Học ngành thương mại điện tử ra làm gì?
Thị trường Thương mại điện tử tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang phát triển mạnh đặc biệt là trong vài năm tới. Đó cũng chính là lí do nhiều doanh nghiệp phải tích cực nâng cao chất lượng nhân lực để có thể chuyển mình theo thời thế.
Nhu cầu về nhân sự ở lĩnh vực Thương mại điện tử ngày càng cao. Do đó cơ hội việc làm dành cho các bạn trẻ ngày một rộng mở.
Sinh viên tốt nghiệp ngành thương mại điện tử có thể làm việc theo 2 hướng. Theo đó, nếu giỏi về công nghệ thông tin thì có thể xây dựng hệ thống vận hành cho các doanh nghiệp, làm ở các phòng IT của doanh nghiệp.
Nếu giỏi kinh doanh, quản lý thì có thể tự xây dựng một hệ thống kinh doanh trên mạng, hoặc đầu quân vào các phòng marketing, phòng kế hoạch… của các công ty.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành Thương mại điện tử
Tùy thuộc vào nhu cầu và môi trường, mà các bạn sẽ lựa chọn cho mình nơi làm việc phù hợp
– Chuyên viên thiết kế Website kinh doanh online, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh trực tuyến tại các doanh nghiệp;
– Chuyên viên bảo trì và quản trị các dự án công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử hoặc quản trị doanh nghiệp điện tử;
– Phòng Marketing, Phòng nghiệp vụ kinh doanh, Phòng Kế hoạch tại các công ty, doanh nghiệp kinh doanh, thương mại;
– Công ty tin học, công nghệ thông tin liên quan đến việc thực hiện các giải pháp công nghệ trong kinh doanh, thương mại;
– Trường đại học, viên nghiên cứu, trung tâm công nghệ, các sở ban ngành liên quan đến công nghệ thông tin,…
Nguyễn Xuân Lâm